daminhthanhtam.com

Đi về nhà

09.02.2024 Văn

ĐI VỀ NHÀ!

“Ai cũng có một quê hương để nhớ 

Vết thời gian không thể xóa bao giờ” 

(Nguyễn Hưng- Quê Hương) 

Có người đã ví von “cuộc đời là một hành trình”, cuộc đời là những chuyến đi. Điều đó đúng, vì đi để có kinh nghiệm của sự trở về và chỉ có đi ta mới xác định được ta thuộc về đâu: “Đi đâu loanh quoanh cho đời mỏi mệt” hãy tìm “một chốn đi về”. Khi đủ trưởng thành bạn sẽ nhận ra cuộc sống không hề dễ dàng còn bạn thì đơn độc hơn bao giờ hết. Trưởng thành là khi bạn nhận ra rằng, mọi thứ đều có thể ra đi, chỉ có gia đình là luôn luôn ở lại. Dù ra ngoài sự nghiệp bạn vinh hay bại, người khác trọng hay khinh, gia đình vẫn sẵn sàng đón bạn quay trở về, yêu thương dành cho bạn không giây phút nào vơi. Trưởng thành là khi tôi luôn muốn trở về nhà. 

“Nhà” trong tâm thức người Việt là một điều gì đó rất linh thiêng, người ta vẫn nói đi làm, đi học, đi chơi,... nhưng về là “về nhà”. Tiếng Anh có sự phân biệt giữa “tòa nhà” (house) và “mái nhà” (home). Tòa nhà là một gì đó khách quan, một vật đứng ở bên ngoài tôi. Mái nhà là một vật gì đó gần gũi với tôi, một vật gì đó vốn là căn bản của đời sống tôi. Nhà là nơi “bão nằm sau cánh cửa”, nhà là nơi bình yên nhất mặc cho dòng đời có sóng gió. Như người ta vẫn nói “an cư, lạc nghiệp”, mái nhà là nơi để an cư, nếu chưa có nhà thì ta vẫn là khách trọ mà ở trọ thì khác với ở nhà. Có một công ty quảng cáo rằng “Chúng tôi không xây nhà, chúng tôi xây mái ấm”. Điều này hoàn toàn phi lý, công nhân xây dựng, kỹ sư xây dựng dù có giỏi đến đâu thì cũng chỉ xây những ngôi nhà đẹp chứ không thể xây được mái ấm. Chỉ có những người trong chính ngôi nhà ấy mới có thể xây được mái ấm. Vì thế, bài hát “Đi về nhà” của Đen Vâu đánh động bao trái tim khán giả vì ai cũng có một ngôi nhà để trở về và ai đi xa cũng muốn về: 

“Đường về nhà là vào tim ta 

Dẫu nắng mưa gần xa 

Thất bát vang danh 

Nhà vẫn luôn chờ ta 

Đường về nhà là vào tim ta 

Dẫu có muôn trùng qua 

Vật đổi sao dời
Nhà vẫn luôn là nhà”

(Đi về nhà- ĐV)

Khi con trưởng thành cũng là lúc con rời xa mái nhà thân thương của mình để bước theo tiếng gọi dâng hiến. Từ đó cho đến bây giờ mỗi lần đi đâu về nhà Dòng con không thích gọi là về Hội Dòng nhưng con thích gọi là “nhà Dòng” hơn. Chữ “nhà Dòng” cho con cảm giác rất chân thực và rất đúng với cảm giác trở về nhà của mình. Do đó một đặc tính huyền nhiệm của đời sống con người chúng ta là sự hiện diện của “sự thuộc về”. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ về “sự thuộc về” như những điều gì đó mà chúng ta sở hữu. Hơn nữa là một người Kitô hữu, con càng ý thức hơn mình phải trở về một ngôi nhà nữa là “nhà Cha trên trời” khi con kết thúc hành trình dương thế này. Đó là nơi mà mỗi người Kitô hữu đều mong muốn trở về: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (x. Pl 3,20). Vì thế mà “Hiệp hành” chẳng phải là cùng nhau “đi về nhà” đó sao? Hiệp hành là cùng nhau đi về quê hương trên trời. 

Như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi Châu mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong tông huấn “Christus Vivit”: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”. Chính Chúa Giêsu đã cứu chúng ta bằng con đường hiệp hành, là một sự “hiệp hành” chứ không chỉ đồng hành cách đơn điệu. Hiệp hành có nghĩa là cùng bước đi với nhau, sát bên nhau trên một con đường; và mục đích của hiệp hành là để gặp gỡ, lắng nghe và tìm ra ý muốn của Chúa. Đối với người tu sĩ, tính hiệp hành được thể hiện qua sứ mạng của mình bằng cách hiệp thông với anh chị em mình gặp gỡ hằng ngày, biết lắng nghe và chia sẻ mọi nỗi vui buồn của họ ngay cả những người gây rắc rối, phiền phức cho mình. Trong đời sống cộng đoàn, nếu mỗi người chúng ta quá dửng dưng với người bên cạnh thì chúng ta không thể hiểu và cảm thông cho nhau được. 

Khi viết đến đây con nhớ đến câu châm ngôn mình đã chọn khi tuyên khấn: “Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương” (Gr 31,3). Lời Thiên Chúa nói với ngôn sứ Giêrêmia năm nào cũng là lời Thiên Chúa nói với con hôm nay. Thiên Chúa yêu con bằng mối tình muôn thuở, cái muôn thuở mênh mông của đất trời và cả trong thân phận mỏng manh của kiếp người. Chính trong tình yêu muôn thuở ấy mà con nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dù con tội lỗi, bất xứng. Con đọc lại lịch sử cuộc đời mình như một lịch sử ơn cứu độ để cảm nhận sự đồng hành, yêu thương và chăm sóc của Thiên Chúa dành cho con. Hành trình phía trước của con cũng giống như “sông rộng đường dài” nhưng con tin rằng với ơn Chúa và với thiện chí muốn bước theo Thầy con sẽ có sức mạnh để tiến bước. Cũng có khi con thuyền cuộc đời con chông chênh, chao đảo vì ngược gió, vì bão tố nhưng Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Tại sao anh em lại sợ hãi? Anh em chưa có đức tin sao?” (Mc 4, 35-41). Xin cho con cũng biết can đảm lên, mạnh bạo lên, đừng sợ vì có Chúa trên thuyền. Ngài hiện diện trong cuộc đời con cùng con viết nên câu chuyện cuộc đời mình. Và từ đó, là một chị nữ tu trong đời sống thường ngày con cảm nhận rõ nét hơn “lòng thương xót” nơi Quý Bề Trên, Quý Dì Giáo và chị em dành cho mình. Với con đó mà một sự “hiệp hành trong lòng thương xót” để con tiếp tục cuộc hành trình đi đến đích của mình. 

Nt. Maria Kim Ngân, OP






 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...