93. THƯ GỬI CHA JERONIMO DA SIENA
- Mã số thư: T52/ G132
- Người nhận: Cha Jeronimo da Siena thuộc Dòng Ẩn sĩ Thánh Augustino, là một môn đệ của Catarina.
- Thời gian: Tháng 02 tới tháng 4-1376, rất có thể là Tuần Thánh (mồng 6 tới 12-4).
- Nội dung chính: Catarina đề nghị với cha một cách mừng lễ Vượt Qua thực tế và sinh lợi ích thiêng liêng, đó là quy tắc và thước đo một tình yêu toàn thiện trong Thiên Chúa.
Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và Đức Maria dịu hiền.
Cha và cũng là con rất thân yêu quý mến trong Đức Giêsu Kitô,
Con là Catarina, tôi tớ và nô lệ của các tôi tớ Đức Giêsu Kitô, viết cho cha trong bửu huyết của Người, nhớ lại các lời của Đấng Cứu Độ chúng ta cho các môn đệ của Người: “Thầy những mong mỏi được ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ nạn” (Lc. 22, 15). Thưa cha Jeronimo rất thân mến, con cũng xin nói lại tương tự với cha. Và nếu cha hỏi con: “Lễ Vượt Qua nào chị muốn ăn mừng với chúng tôi?” Con sẽ trả lời: “Không có lễ Vượt Qua nào khác ngoài lễ của Con Chiên vô tỳ tích, lễ Vượt Qua Người đã mừng với các môn đệ thân yêu của Người.”
Ôi Con Chiên dịu dàng, được nướng trên ngọn lửa đức ái thần linh trên cây thánh giá! Ôi lương thực ngọt ngào nhất, đầy niềm vui, hạnh phúc và an ủi! Ngài không thiếu gì, vì cho những ai phục vụ Người trong sự thật, Người được làm thành bàn ăn, lương thực và người hầu bàn. Chúng ta thấy rõ Chúa Cha là bàn ăn cho chúng ta, và cũng là giường nơi linh hồn có thể nghỉngơi. Và chúng ta thấy Ngôi Lời, Con Một Thiên Chúa, Đấng ban chính mình cho chúng ta làm lương thực với một tình yêu cháy bỏng như thế. Và ai đã mang Người cho chúng ta? Đó là Chúa Thánh Thần, người hầu bàn – và vì tình yêu vô biên của Người, Người không bằng lòng để người khác phục vụ chúng ta nhưng muốn chính mình làm người hầu bàn.
Bây giờ, chính tại bàn này mà linh hồn con khát khao mừng lễ Vượt Qua với cha trước khi con chết, vì một khi cuộc sống qua đi, chúng ta không thể làm điều ấy. Và xin cha hãy nhớ rằng khi tới bàn này, chúng ta vừa phải trút bỏ rồi phải mặc vào. Con có ý nói phải trút bỏ mọi thứ tình yêu vị kỷ và ước muốn làm vui lòng thế gian, trút bỏ thói thờ ơ, buồn phiền và thất đảm thiêng liêng (vì nỗi buồn thái quá làm khô héo linh hồn). Nhưng chúng ta phải mặc lấy đức ái bừng cháy, và điều này chúng ta không thể có nếu không mở mắt của sự biết mình để thấy mình là hư không (và vì thế chỉlàm những gì hư không) và biết lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa bên trong chúng ta.
Khi chúng ta chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa và lòng nhân hậu vô biên chúng ta tìm thấy trong Người, chúng ta không thể không yêu. Và tình yêu lập tức mặc cho chúng ta nhân đức vững chắc. Chúng ta thà chết sớm còn hơn làm gì chống lại người chúng ta yêu, nhưng luôn luôn tìm kiếm và hăm hở làm những gì vui lòng người ấy. Những gì người ấy yêu, chúng ta tự nguyện yêu, và chúng ta ghét những gì họ ghét, vì bởi tình yêu, chúng ta được làm thành “một người kia” khác (x. ĐT 1). Đây là tình yêu trút khỏi chúng ta tất cả thờ ơ, dốt nát và buồn phiền. Và trí nhớ của chúng ta trỗi dậy để cùng với Chúa Cha mừng lễ khi nhớ lại muôn hồng ân của Thiên Chúa. Trí hiểu của chúng ta mừng lễ với Ngôi Con qua việc nhận biết và yêu mến ý Chúa với khôn ngoan và hiểu biết. Lập tức chúng ta nâng tình yêu và khát khao của chúng ta lên và trở thành các người yêu của Đấng Chân Lý Vĩnh cửu Tối cao – sâu đậm đến nỗi chúng ta không thể muốn yêu hay khát khao điều gì ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh. Không gì mang lại niềm vui cho chúng ta ngoài việc mang lấy những đau đớn và thất sủng của Người, và điều này làm chúng ta vui lòng và thỏa mãn đến nỗi chúng ta nghi ngờ bất cứ cái gì khác. Đau đớn, sỉnhục và bách hại từ thế gian và ma quỷ - chúng ta coi là vinh quang khi được chịu vì Đức Kitô.
Xin cha hãy thắp lên, hãy thắp lên ngọn lửa của khát khao thánh thiện! Hãy nhìn vào Con Chiên bị giết trên cây gỗ thánh giá! Không có cách nào khác chúng ta có thể ăn tại bàn ăn đáng kính ngọt ngào này. Hãy thấy rằng cây thánh giá luôn luôn được trồng vững chắc trong căn phòng linh hồn chúng ta, vì từ cây này, cha có thể thu được trái vâng phục chân thực, trái kiên nhẫn và khiêm nhường sâu thẳm. Mọi sự tự mãn và tình yêu vị kỷ sẽ chết trong cha, và cha sẽ thủ đắc cơn đói khát và thưởng thức các linh hồn khi cha thấy Người, vì khát khao ơn cứu độ cho chúng ta và vinh quang của Cha, đã tự hạ và thí mạng cho đến chết ô nhục trên thập giá như một người cuồng yêu và say sưa trong tình yêu đối với chúng ta.
Đây là lễ Vượt Qua con khát khao được ăn với cha. Và vì chúng ta đã nói rằng chúng ta phải là những người ăn và thưởng thức các linh hồn, đây là điều linh hồn con ước mong thấy trong cha, vì cha là người công bố Lời Chúa. Con muốn cha là chiếc bình của tình yêu, đầy tràn lửa của đức ái bừng cháy, để mang danh thánh Giêsu ngọt ngào và gieo hạt giống của Ngôi Lời Nhập thể vào cánh đồng của linh hồn. Nhưng khi cha thu hoạch mùa màng (đó là khi công việc của cha với người ta sản sinh hoa trái), con muốn và khuyến khích cha chứa đựng nó trong danh dự của Chúa Cha vĩnh cửu và dâng Người vinh quang danh dự và khử trừ tất cả những gì là tự mãn. Nếu khác đi, chúng ta chỉlà những tên trộm cướp, vì chúng ta ăn trộm những gì thuộc về Thiên Chúa và lấy nó làm của riêng mình. Nhưng con tin rằng, nhờ ơn Chúa, điều này không áp dụng cho cha, vì dường như đối với con, động lực đầu tiên và xuất phát điểm thuần túy là vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Tuy nhiên, đôi khi cha có một chút tự phục vụ trong tương quan với tha nhân.
Nhưng vì con muốn cha hoàn hảo và mang hoa trái hoàn thiện, con không muốn cha yêu ai, chung chung hay cá nhân, trừ khi chỉtrong Thiên Chúa. Dù sao, xin cha nghe rõ tại sao con nói điều này, vì con biết rằng cha yêu cách thiêng liêng và trong Thiên Chúa – nhưng đôi khi, có thể do vô tình hay theo khuynh hướng tự nhiên (và cha là người mà), trong khi cha yêu cách thiêng liêng, cha lại lấy làm vui thích và thỏa mãn trong tình yêu với chừng mực mà nhục cảm đôi khi đóng một vai trò nào đó, dù luôn luôn dưới chiêu bài thiêng liêng!
Cha có thể nói: “Cái gì có thể cảnh báo tôi sự hiện diện của sự bất toàn này?” Con sẽ nói cha nghe: Khi cha thấy người cha yêu, cách nào đó không đáp ứng đủ những điều cha mong đợi, khi họ không nói với cha như thường lệ hay dường như họ yêu thương ai đó hơn cha, lúc đó nếu cha trở nên phẫn nộ hay cảm thấy buồn phiền, thiếu tình yêu đã có từ trước, thì cha hãy chắc chắn rằng tình yêu này vẫn còn bất toàn (x. ĐT 144). Và làm thế nào chúng ta có thể hoàn thiện nó?
Thưa cha quý mến, con xin tặng cha một cách mà Chân Lý Nguyên thủy đã nói cho một tôi tớ của Người: “Hỡi ái nữ của Ta, Ta không muốn con hành xử như một người múc một bình đầy nước từ suối, và sau khi lấy thì uống nước tới khi bình trống rỗng mà không lưu tâm rằng thậm chí nó chẳng còn giọt nước nào. Không, khi con đổ đầy bình linh hồn con bằng việc liên kết trong tình yêu âu yếm nên một với người con yêu vì Chúa, con đừng mang nó xa Ta thậm chí chỉmột bước, vì Ta là suối mạch nước hằng sống. Thay vào đó, con hãy giữ người con yêu vì tình yêu với Ta như con giữ chiếc bình trong dòng nước. Bằng cách này, con cũng như người con yêu không bao giờ trống rỗng, nhưng cả hai luôn luôn đầy ân sủng thần linh, với ngọn lửa đức ái bừng cháy. Vì vậy con không bao giờ cảm thấy phẫn nộ hay buồn phiền. Vì miễn là người yêu thấy người được yêu đang sống trong nhân đức chắc chắn và ngọt ngào, họ sẽ không cảm thấy buồn phiền đau đớn, thậm chí thấy người được yêu trở nên xa cách hay hành xử khác đi, vì tình yêu thì không ích kỷ nhưng vì Chúa. Điều này không có nghĩa là con không cảm thấy một chút nhạy cảm thánh thiện khi con thấy xa cách đối tượng tình yêu của con.”
Vì vậy, đây là quy luật và thước đo con muốn cha nắm giữ để cha có thể hoàn thiện hơn là bất toàn.
Con xin tạm ngưng. Xin cha tiếp tục sống trong tình yêu thánh thiện và dịu dàng của Chúa.