Con đang ngồi suy nghĩ viết nội san thì:
- Sr ơi, Sr có lấy củ cải trắng về phơi cho các em ăn không? Có người phá vườn cho Sr khoảng 1 tấn nè...
Thế là mấy Sr, cháu xuống vườn, nhổ, rửa, cắt, phơi hết hơn một tuần trời. Khoảng một tuần sau:
- Sr ơi, Sr có ăn cải ngọt hay sú cải, sú thảo không? Có người cho ạ!
Sr, cháu lại bao, dây... đi tới nhổ cải, cắt sú. Cả thảy được khoảng hai tấn. Hôm sau:
- Sr ơi, người ta kêu con cày vườn xà lách, con thấy còn tươi non lắm, Sr có xuống lấy về ăn hay cho gà gì không ạ?
Và mười mấy bao xà lách được Sr, cháu đèo về nhà trên những chiếc xe đạp cũ. Chủ vườn rau cải hôm bữa lại gọi nói còn ít Sr xuống lấy nốt để con cày. Tưởng ít, nhổ xong về nhà đếm cũng cả 30 bó, mỗi bó độ chục ký.
Vừa nhổ rau cải vừa tranh thủ nghĩ ý tưởng viết bài nội san cho mau hết giờ và ... hết vườn. Nhưng nghĩ thế nào cũng không thoát ra khỏi từ THƯƠNG. THƯƠNG cho những nhà vườn đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vất vả thật nhiều nhưng kết quả chỉ là hai ngàn một kí sú, một ngàn một bó cải. Không đủ tiền công nghĩ gì đến chuyện thu hồi vốn. THƯƠNG cho những đắn đo, những quyết định xả vườn, cho không và cày bỏ. Chấp nhận cày, bỏ là chấp nhận vứt đi công sức, tiền của cho những ngày tháng chắt chiu, trông chờ tới ngày mùa thu hoạch. Nhưng biết làm thế nào...??? Nghĩ thế rồi con lại thầm thĩ dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho họ, những người đã cho rau nói riêng và cả những người trồng rau đang bị mất giá nói chung
Chợt nhớ đến bài nội san đã sắp đến hạn, con lại quay về với những lý thuyết HIỆP HÀNH mà con đã nhiều lần được nghe, chia sẻ và học hỏi. Nhưng đó dù sao cũng là lý thuyết, chẳng phải cuộc sống con bây giờ là bài tập thực hành cho việc sống tinh thần hiệp hành hay sao? Tại sao con lại không nối kết chúng lại mà tìm ra ý nghĩ đích thực mà Chúa qua Giáo Hội mong ước? Và con đã, đang và sẽ sống tinh thần HIỆP HÀNH ấy như thế nào trong đời sống sứ vụ của mình với tư cách là người nữ tu Đa Minh Thánh Tâm nơi vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này?
Hai từ HIỆP HÀNH lúc đầu nghe có vẻ cao siêu, ngờ ngợ nhưng khi con biết để tâm và đưa vào thực tế thấy sao thật gần gũi, thân thương. Thật vậy, Giáo Hội mời gọi con cái mình HIỆP HÀNH với nhau, theo sát Chúa Kitô, Đấng là anh cả, là trưởng tử giữa đàn em đông đúc. Việc sống tinh thần hiệp hành này đòi hỏi con trước hết, cần biết để tâm đến bầu khí hiện tại của Giáo Hội, đến tiến trình hiệp hành mà Giáo Hội đang từng bước thực hiện. Hiện nay, Giáo Hội đã bước vào giai đoạn 3 trong tiến trình ấy, giai đoạn cấp Châu Lục và Đại Hội Thương Hội Đồng Giám Mục sẽ chính thức diễn ra với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxico, các giám mục và các quan sát viên vào tháng 10/ 2023 sắp tới …. Việc để tâm này đòi hỏi con phải dồn hết sức lực, tâm trí và tâm hồn không phải làm việc gì cao sang, quá sức của con nhưng nó mời gọi con làm một việc đụng đến chuyên nghành của con đó là cầu nguyện. Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, cho những người có trách nhiệm và cho cả chúng con, những giáo dân biết cùng nhau gặp gỡ, lắng nghe, phân định để tìm ra ý Chúa. Việc cầu nguyện này con có thể thực hiện được ở mọi nơi, mọi lúc, miễn là con biết “để tâm” đến công việc, đường hướng chung của mẹ Giáo Hội.
Sau khi đã hướng lên trong tương quan với Chúa, con cũng biết nhìn sang ngang để biết hiệp hành với nhau. Cụ thể qua việc quan tâm đến nhau, bắt đầu từ những người gần con nhất. Đó là Quý Dì, Quý chị trong cộng đoàn và cả những em nội trú mà con có bổn phận chăm sóc, dạy dỗ. Xa hơn một chút là những em thiếu nhi, ca đoàn, các anh chị Giáo lý viên trong Giáo họ là những người con đã được trao nhiệm vụ để hướng dẫn đời sống đức tin cho họ. Đằng sau những con người ấy là cả một câu chuyện dài đang cần con đến, gặp gỡ, lắng nghe và cho họ những lời góp ý chân thành.
Và tinh thần hiệp hành ấy không chỉ được dừng lại nơi con mà còn cần phải được lan toả đến nhiều người khác nữa.
Thật vậy, mỗi người đang sống tinh thần hiệp hành theo bậc sống và theo cách riêng của mình. Nơi những nhà vườn, họ có thể cày, có thể bỏ vài sào rau, thậm chí vài héc rau nhưng họ vẫn hỏi, gọi và cho những ai cần. Tuy nhà vườn không bán được, lỗ vốn nhưng vẫn thấy có những người còn cần đến mình, đến rau của mình, họ vẫn sẵn sàng cho đi với hy vọng sẽ nhận được một niềm vui khác. Một vài người trong Giáo họ thấy có người cho rau thì nghĩ đến các Sr với “CHỢ 0 ĐỒNG” và các em nội trú đồng bào, thế là điện, là nhổ, là vác, là chở giúp Sr mà không quản ngại thời gian, tiền của.... Các Sr cũng rất phấn khởi gọi cho Cha, cho các phụ huynh trong làng. Và thế là xe công nông, xe tải rủ nhau ra lấy. Bó rau chuyển đi, niềm vui và lòng biết ơn còn ở lại mãi trong lòng mỗi người. Như thế, mỗi người bằng cách riêng của mình đã vươn dài cánh tay hướng đến những người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ và yếu thế nhất, hay những người ở gần chúng ta mà chưa có ai quan tâm, thăm hỏi...
Khi mời gọi chúng ta hướng đến tiến trình hiệp hành, có lẽ Giáo Hội cũng chẳng bắt các tín hữu nói chung và con nói riêng phải làm việc gì to lớn, nhưng là chu toàn công việc bổn phận của mình, làm tốt trách nhiệm được giao. Đó là cách con thể hiện tinh thần hiệp hành với những người có trách nhiệm khi con vâng lời. Với những người cùng làm việc với con khi con biết cộng tác, đồng hành cùng nhau và với những người có thể sẽ được tận hưởng chút niềm vui từ công việc mà con đảm nhận.
Như vậy, bằng những lời nói, suy nghĩ và những hành động nhỏ bé của mình, con đã có thể bước được cùng với Giáo Hội, với mọi người trên con đường hiệp hành, dưới bóng Thầy Giêsu chí thánh. Ước mong rằng tinh thần hiệp hành này luôn ở mãi trong con không chỉ trong giai đoạn này hay khi Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục kết thúc. Có như thế, con mới có thể vững bước tiến lên cùng với mọi người đi về quê thật, nơi có người Cha thân yêu luôn kiên trì chờ đón con trở về sum họp.
Nt. Maria Nguyễn Nhật Tường Anh, OP