daminhthanhtam.com

Vâng Phục trong đời sống Thánh Hiến

27.06.2024 Văn

Trong bối cảnh xã hội đề cao sự tự do, chủ nghĩa cá nhân, thích làm theo điều mình muốn, ... thì vẫn còn đó những người tu sĩ họa lại cuộc đời và lối sống của Đức Kitô về sự vâng phục “Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8).

Thật thế, khi người tu sĩ cam kết với ba lời khấn dòng là để theo sát Đức Kitô. Vì chính Ngài là mẫu gương tuyệt hảo nhất, vì dầu là con Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn vâng phục ý Cha, nhận lấy thân phận tôi tớ, và trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (x. Dt 5,8; x. HP 22). Ngài đã chiến thắng tất cả cho hiến lễ tình yêu để vâng phục cách tuyệt đối, và đạt đến sự sung mãn tuyệt vời trong nhân vị của thân phận con người.

Chính sự vâng phục tuyệt vời của Đức Kitô đã giải thoát con người, nên đã mở cho người tu sĩ một khát khao nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Họ đáp trả qua tinh thần phó thác, qua tình yêu dâng hiến, và thái độ hoàn toàn sẵn sàng nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (x. CT 6). Người tu sĩ dâng lên Chúa chính ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống của mình. Vì thế, Thánh Toma đã không ngần ngại coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất trong các lời khấn”.

Như vậy, khi người tu sĩ cam kết và sống đức vâng phục, là để có đó phương tiện tốt hơn để làm triển nở nhân vị và đạt được hạnh phúc, mà lại không đánh mất tự do của mình, nhưng hướng đến tự do đích thực hoàn hảo nơi chính mình và trong ân sủng của Thần Khí Thiên Chúa (x. SGLHTCG, 1731).

Tuy nhiên, lời khấn vâng phục đòi hỏi người tu sĩ phải hi sinh ý riêng, bản thân, để dâng hiến ý muốn của họ lên Thiên Chúa (x. HP 22). Để sống lời khấn này, người tu sĩ phải lớn lên về nhân bản, sự nhận thức, cách ứng xử, sự khiêm tốn, và cách sống bác ái hiệp thông. Họ còn được mời gọi sống vui tươi, vâng phục các bề trên theo luật dòng trong tinh thần đức tin, sự yêu mến để thực thi sứ vụ với tinh thần hiệp thông huynh đệ (x. HP 26).

Nhưng, nếu người tu sĩ sống theo sát Chúa Kitô trong hành trình dâng hiến, một “Sequela Christi” thực sự thì chính tình yêu đó sẽ giúp họ vâng phục cách tích cực, cởi mở, chân thành, vui tươi. Không những thế, sự vâng phục không làm mất đi nhân phẩm mà còn nâng cao sự tự do của con cái Chúa, giúp họ trưởng thành nhân vị, liên kết với sứ mạng của Hội Thánh và ý muốn cứu độ của Thiên Chúa (x. HP 25)

Một khi ý thức được rằng, đức vâng phục mang lại sự tự do đích thực, giải thoát con người khỏi chủ nghĩa cái tôi, khỏi óc vị kỷ, khỏi các yếu đuối thì người tu sĩ sẽ liên kết trọn vẹn với thánh ý Thiên Chúa trong việc sử dụng tự do cách cao thượng nhất để đạt tới điều hoàn hảo (x. CT 29). Khi đó vâng phục sẽ là của lễ tình yêu liên lỉ, là hành vi thờ phượng ngoan thảo yêu mến nhất dâng lên Thiên Chúa. Và có lẽ hơn hết, vâng phục trong đời tu không làm giảm bớt phẩm giá, mà giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa (x. DT. 14).

Chính nhờ những yếu tố trên mà trong vai trò là thụ huấn sinh trong giai đoạn Tiền vĩnh thệ, tôi vẫn luôn thấy đó sự bình an, hạnh phúc trong đời tu, trong lời khấn dòng của mình. Càng ngày tôi thấy mình tin tưởng phó thác hơn, nhờ với ơn Chúa ban. Đặc biệt qua lời khấn vâng phục, dưới sự hướng dẫn của quý bề trên, quý dì giáo, quý dì và các chị em, tôi ý thức hơn về sự trưởng thành tự do đích thực, biết điều hợp ý mình với ý Chúa. Từ đó tôi lấy thánh ý Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi của tôi từ đó tôi dấn thân hơn trong sứ vụ của Hội Dòng trong Hội Thánh. Và hơn hết là dẫn tôi trọn thề vẹn nghĩa tín trung trong lời khấn tuyên hệ mà tôi sắp sửa ký kết với Chúa trong Hội Dòng.

 

Nt. Maria Tuấn Anh, OP

(Trích NS. Catarina 47)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...