154. THƯ GỬI BÀ BARTOLOMEA D’ANDREA MEI
- Mã số thư: T71/ G358
- Người nhận: Bà này thuộc gia đình Buoninsegna tại Siena. Bà cũng là một môn đệ của Catarina.
- Thời gian: Cuối tháng 8 tới tháng 10-1377.
- Nội dung chính: Catarina khuyến khích bà Bartolomea sống thánh thiện qua trung gian là việc kiên trì giữ các nhân đức.
Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và Đức Maria dịu hiền.
Con gái rất thân mến trong Đức Giêsu Kitô nhân từ,
Mẹ là Catarina, tôi tớ và nô lệ của các tôi tớ Đức Giêsu Kitô, viết cho con trong bửu huyết của Người. Mẹ ước mong thấy con đặt nền tảng trên nhân đức vững chắc và chân thực, vì nếu không có nhân đức như trung gian, chúng ta không thể làm hài lòng Đấng Tạo Hóa.
Thiên Chúa đã luôn luôn muốn ban đời sống ân sủng qua một trung gian. Con biết rõ rằng: sau khi người thứ nhất là Ađam đã phạm tội bất tuân, hậu quả của tội này là phải chết đời đời. Khi Chúa muốn ông được phục hồi ân sủng và được sống đời đời, Người đã dùng Con Một của Người như một trung gian. Người trao cho Đức Kitô nhiệm vụ giết sự bất tuân của chúng ta nhờ phương tiện là sự vâng phục của Ngôi Lời làm người; nhiệm vụ tiêu diệt sự chết và phục hồi sự sống của chúng ta, qua phương tiện là cái chết của Con Thiên Chúa. Và Đức Kitô đã thực hiện điều này. Trên cây gỗ thánh giá, Ngôi Lời dịu hiền thân thương đã giao tranh với thần chết, và bằng phương tiện là cái chết, Người đã đánh bại thần chết ngay cả khi cái chết đã giết cuộc sống của Người. Theo ý mẹ, cái chết là tội lỗi chúng ta đã giết Con Thiên Chúa trên cây gỗ thánh giá, để bằng phương tiện là cái chết của Người, Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết và đem lại cho chúng ta sự sống hoàn hảo. Vì vậy, cuộc sống đã xuất hiện một người phụ nữ tự do[1], và người ấy đã đánh bại ác quỷ địa ngục, kẻ đã nắm giữ và chiếm quyền chúa tể trên loài người, bất chấp sự thật rằng loài người không được có chúa tể nào khác ngoài Thiên Chúa.
Chính quyền lực chúa tể này của ma quỷ đã đưa chúng ta vào cái chết ban đầu, để chúng ta mất sự sống đã có nhờ bửu huyết của Đức Kitô. Điều này xảy ra khi chúng ta chọn phục vụ nhục dục vị kỷ của chính mình qua những khát khao tháo thứ, có thể là danh tiếng, của cải, con cái hay bất cứ thụ tạo người hay vật nào, trong bất cứ cách nào không nhắm thẳng đến, hay không đặt nền trên Thiên Chúa.
Và đôi khi chúng ta trở nên nô lệ tinh thần cho ý muốn vị kỷ của chúng ta dưới chiêu bài tâm linh và muốn chiếm hữu Thiên Chúa nhiều hơn chúng ta làm. Điều này xảy ra khi chúng ta ước mong có được an ủi hay thử thách và cám dỗ của ma quỷ, hoặc thời gian và nơi chốn theo cách riêng của mình. Đôi khi chúng ta nói: “Tôi thích có những thử thách theo một vài cách khác, vì xem ra cách này đang làm tôi mất Chúa. Tôi có thể chịu đựng điều trước đây cách kiên nhẫn, nhưng tôi không thể chịu được cách này. Nếu không xúc phạm Thiên Chúa, tôi rất sẵn sàng, nhưng tôi cảm thấy bất ổn vì dường như điều này đang làm tôi phạm tội.”
Con rất thân mến, nếu mở mắt tâm trí, con sẽ thấy đây là nhục dục vị kỷ mặc áo tâm linh. Nếu khôn ngoan, chúng ta sẽ không hành động như vậy. Không, với đức tin sống động, chúng ta tin rằng Thiên Chúa không cho phép nhiều hơn chúng ta có thể chịu được, Người cũng không cho phép nếu điều đó không cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta. Vì Người là Thiên Chúa của chúng ta, và Người không muốn gì khác ngoài việc chúng ta được nên thánh (x. 1Tx 4,3).
Chúng ta thường làm tương tự với những an ủi thiêng liêng vị kỷ. Nếu không cảm nghiệm những điều này khi chúng ta thích, nếu không được thời gian và nơi chốn như chúng ta thích, nhưng thay vào đó là những thử thách, buồn phiền và một tâm hồn khô khan cằn cỗi, chúng ta trở nên bị tổn thương, cay đắng, lo lắng và xuống tinh thần trầm trọng. Thường thì ma quỷ lừa dối bằng cách làm chúng ta nghĩ rằng: những điều chúng ta nói và làm thì vừa không làm hài lòng Thiên Chúa, vừa không được Thiên Chúa chấp nhận. Hắn nói với vẻ chắc chắn rằng: “Tại sao Thiên Chúa không hài lòng? Vì bạn quá xấu xa! Bây giờ hãy tạm dừng đi. Có lẽ một lúc nào khác bạn cảm thấy khá hơn và có thể cầu nguyện”. Ma quỷ làm điều này để chúng ta từ bỏ việc thực hành thể lý và tinh thần của việc cầu nguyện thực sự thánh thiện, cả khẩu nguyện và tâm nguyện (x. ĐT 66). Tại sao? Vì một khi chúng ta đã mất vũ khí mà các tôi tớ Thiên Chúa tự vệ chống lại các đòn của ma quỷ, xác thịt và thế gian, hắn sẽ có những gì hắn muốn từ chúng ta. Lúc đó thành trì của linh hồn chúng ta sẽ quy phục hắn và hắn sẽ bước vào như một chúa tể. Đó là lối duy nhất hắn có thể vào một khi chúng ta đã mất khí giới và sức mạnh của cầu nguyện.
Cầu nguyện cho chúng ta vũ khí của đức khiêm nhường chân thực và đức ái bừng cháy, vì lời cầu nguyện thánh thiện cho chúng ta sự biết mình hoàn hảo cùng với những yếu đuối của bản thân, tình yêu và lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Và chúng ta đi tới chỗ biết mình và Thiên Chúa tốt hơn trong những thời khắc đầy thử thách và khi tâm hồn chúng ta khô khan trống rỗng. Chúng ta học được sự khiêm tốn và tận tâm hoàn hảo hơn từ những trải nghiệm này.
Vì vậy, nếu chúng ta đủ khôn ngoan để không phục vụ ý muốn vị kỷ của mình trong chiêu bài an ủi và không tin ma quỷ, nhưng với sự chê ghét thánh thiện tính ích kỷ của mình, kiên trì trong cầu nguyện bằng bất cứ cách thức nào Chúa ban cho chúng ta - hoặc với cảm giác ngọt ngào hay đắng cay - chúng ta được ích lợi trong đắng cay và đau đớn hơn là trong ngọt ngào, bất kể trong cách thức nào Chúa gửi đến cho chúng ta. Tại sao? Vì khi cần, chúng ta chạy tới ân nhân, với thái độ rất khiêm nhường và thành khẩn, biết rằng tự mình, chúng ta không thể làm được gì. Thiên Chúa là Đấng chúng ta tin tưởng, là vị duy nhất có thể và muốn tới giúp chúng ta.
Do đó, nếu chúng ta muốn đạt tới nhân đức chân thực, chúng ta phải đạt tới nó bằng việc chịu đựng với lòng kiên nhẫn chân thành và thực sự những thử thách tinh thần này cũng như bất cứ bực bội nào người ta đối xử với chúng ta trong hình thức ngược đãi hay các loại khác của những tảng đá vấp phạm. Vì nếu không có kiên nhẫn như trung gian, chúng ta không thể đạt tới nhân đức đã được chứng minh. Chúng ta có thể cưu mang nó, nhưng những thử thách này là phương tiện cho việc sản sinh ra nó.
Nhân đức được minh chứng trong khó khăn cũng như vàng được thử trong lửa. Vì nếu trong khó khăn chúng ta không tỏ ra bằng chứng đích thực về lòng kiên nhẫn nhưng cố gắng tránh né khó khăn (trong những cách thức mẹ đã nói trên hay trong bất cứ cách khả thi nào khác), đây sẽ là dấu hiệu rõ ràng rằng chúng ta không phục vụ Đấng Tạo Hóa, rằng chúng ta không để mình được Người cai trị bằng việc chấp nhận cách khiêm nhường và với tình yêu bất cứ điều gì Chúa ban cho chúng ta. Nó cũng không đưa ra bằng chứng hiển nhiên của đức tin rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Vì nếu thực sự tin điều này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một tảng đá vấp phạm trong bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ đánh giá và tôn trọng bàn tay đem đến cay đắng của nghịch cảnh, cũng nhiều như bàn tay ban tặng phồn thịnh và an ủi, vì chúng ta thấy rằng mọi sự được làm vì tình yêu. Chính việc chúng ta không thấy điều này chứng tỏ rằng chúng ta đã trở nên tôi tớ của nhục cảm vị kỷ và của ý riêng, rằng chúng ta đã đặt những thứ này làm chúa tể của mình và do đó để mình bị chúng thống trị.
Vì sự phục vụ này cho thế gian và cho ý muốn vị kỷ của chúng ta là trọng tội, chúng ta phải từ bỏ nó. Nó ngăn trở việc hoàn thiện, không cho chúng ta tự do phục vụ Chúa. Nó làm cho chúng ta muốn phục vụ Chúa theo cách riêng của mình hơn là của Chúa - điều này không đúng và làm cho sự phục vụ của chúng ta thành vụ lợi. Và việc này gây ra rất nhiều điều xấu xa (x. ĐT 60).
Vì vậy, mẹ nói với con: Chúng ta phải theo đường lối và giáo huấn này mà Chúa đã dạy chúng ta. Người muốn làm mọi sự qua việc dùng các trung gian. Chúng ta thấy rằng chúng ta không được tạo dựng bởi chính mình nhưng chính Chúa đã làm đức ái của Người thành một trung gian. Bởi phương tiện là tình yêu tinh ròng của Người, Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và giống như Người để chúng ta có thể chia sẻ và hưởng kiến Người đời đời. Nhưng chúng ta đã đánh mất điều này vì tình yêu vị kỷ và tội lỗi của người cha thứ nhất của chúng ta, Vì thế, để ban lại cho chúng ta những gì đã mất, Thiên Chúa ban Con của Người như trung gian, và Đấng trung gian này đã chịu đòn thay cho chúng ta - vì cuộc chiến giữa chúng ta và Thiên Chúa quá lớn đến nỗi không còn cách nào khác có thể đem lại hòa bình này. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa vô hạn đã bị xúc phạm, và loài người hữu hạn đã phạm tội, không bao giờ có thể, bằng bất cứ đau khổ nào chúng có thể chịu, đã làm hài lòng Thiên Chúa vô hạn. Vì thế, vực thẳm bừng cháy của tình yêu Thiên Chúa đã tìm ra một cách để kiến tạo hòa bình này.
Để được thỏa mãn, Thiên Chúa vĩnh cửu với bản tính thần linh, đã nối kết với bản tính nhân loại. Một khi Thiên Chúa vô hạn đã kết hợp với bản tính nhân loại hữu hạn, những đau khổ của con người Đức Kitô trên cây gỗ thánh giá đã đủ để làm giá chuộc dâng Cha Người để xoa dịu cơn thịnh nộ đè nặng trên nhân loại. Ngôi Lời dịu hiền này đánh một đòn duy nhất trên cây gỗ thập giá. Nhưng trong đòn duy nhất đó, Đức Kitô đã xót thương nhân loại và ban cho ân sủng chúng ta đã mất, vì thế thỏa mãn lòng thương xót, và Người thỏa mãn công bằng, đòi hỏi tội lỗi phải được báo thù. Người đem sự trả thù này trên thân thể mình, trong cùng bản tính đã phạm tội, vì xác thịt của Đức Kitô được làm từ đất sét của Ađam (x. Lcn 18).
Nhưng chúng ta, những kẻ vô ơn và không được đánh giá cao, thường mất ân sủng bởi tội riêng và tuyên chiến với Thiên Chúa. Đôi khi đó là vấn đề của cuộc chiến sinh tử. Lúc khác lại chỉ là sự bực bội giữa bạn bè.
Cuộc chiến là sinh tử khi chúng ta chết cái chết của tội trọng bởi việc làm một chúa tể của thế gian, của xác thịt, và của những lạc thú tồi tệ. Trong trường hợp này chúng ta hoàn toàn mất sự sống. Thực ra, chúng ta có thể lấy lại nó qua việc xưng tội và trung gian của bửu huyết Đức Kitô, miễn là chúng ta đang còn sống. Nhưng hãy lưu ý rằng nếu không có trung gian này, chúng ta không thể sống động trong ân sủng hay đạt tới cuộc sống đời đời.
“Những bực bội giữa bạn bè” liên quan tới những người nam nữ đang phục vụ Chúa mà không mắc tội trọng. Họ sống trong ân sủng và muốn là những tôi tớ thực sự của Chúa. Nhưng đôi khi họ ngu dại thích chọn thời gian và nơi chốn, an ủi, thử thách và cám dỗ theo cách riêng của mình. Sự ngu xuẩn này đến từ ý muốn ích kỷ của họ tự đặt nó làm chúa tể, và nó khiến họ xa sự thật một chút. Họ không từ bỏ sự thật, điều này có thể làm nên tội trọng. Nhưng nó đã xúc phạm đến sự trọn lành mà trong sự thật họ khát khao. Do đó Thiên Chúa bực bội với những người này là bạn hữu của Người, vì dường như đối với Người, họ không đang và đã hành động với sự tự do hoàn toàn. Vì vậy Thiên Chúa đã thiết lập một trung gian cho chúng ta dùng nếu chúng ta muốn làm dịu cơn phẫn nộ và khó chịu của Người, và nếu chúng ta không muốn cản trở tiến trình đến sự trọn lành ngọt ngào của chúng ta. Người đòi hỏi rằng chúng ta từ bỏ ý muốn ích kỷ của mình; rằng chúng ta không được tìm kiếm hay muốn điều gì ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh; rằng tất cả niềm vui của chúng ta là được ở lại trong sự hạ mình của Đức Kitô, bằng cách sinh ra các nhân đức mà chúng ta đã cưu mang, qua những khát khao thánh thiện trong đức ái khiêm nhường thực sự đối với tha nhân.
Qua trung gian của sự chịu đựng với đức kiên nhẫn thánh thiện và chân thực này, bất cứ đau khổ, khó khăn hay khô khan thiêng liêng nào Chúa gửi đến, chúng ta sẽ đặt nền trên nhân đức vững chắc thực sự. Chúng ta sẽ là những người trưởng thành trong sức mạnh và nhận thức, không như những đứa trẻ chẳng muốn làm gì hoặc đi đâu ngoài ý thích của chúng. Mẹ không thấy có con đường nào khác chúng ta có thể đi! Và đây là lý do tại sao mẹ nói rằng mẹ ước mong thấy con đặt nền trên nhân đức vững chắc và chân thực. Lại nữa, mẹ muốn linh hồn con được kết hợp với Chúa qua tình yêu hiệu quả, và điều này không thể xảy ra mà không có nhân đức như trung gian. Vì, như mẹ đã nói, Chúa muốn làm mọi sự qua trung gian.
Mẹ chắc chắn rằng, nhờ lòng nhân hậu vô biên của Chúa, con sẽ hoàn thành thánh ý Người và khát khao của mẹ.
Đó là những gì mẹ muốn nói. Con hãy tiếp tục sống trong tình yêu thánh thiện và dịu dàng của Chúa.
Ôi Giêsu dịu hiền! Giêsu mến yêu!