Ngỏ...
Một lúc nào đó trong cuộc đời bạn và tôi chợt nhận ra những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong những gì rất dung dị, rất đời thường. Hình ảnh chiếc lá vàng chao nghiêng, hình ảnh hạt giống được gieo và lặn sâu trong lòng đất, những con đường, lối đi chúng ta đã bước qua trong cuộc đời, những con người dù chỉ một lần gặp gỡ ...tất cả để lại những dấu ấn không phai. Xin ghi lại vài kinh nghiệm lữ hành, để nhận thấy tình Chúa, tình người vẫn luôn đong đầy trên từng nhịp bước chân tôi.
Con muốn kể cho Chúa nghe những gì con nghiệm ra tầng ý nghĩa từ kinh nghiệm xa xứ đầu tiên trên đất nước Philippines. Vâng, cuộc hành trình dường như chỉ có một mình, một mình con đi đến nơi xa. Trong con thoáng chút lo sợ vì đó không phải là đất nước của mình, ngôn ngữ thì không rành, nhưng hình ảnh tổ phụ Apraham hiện lên trong tâm trí khiến con vững tin.Con tin Chúa đang đồng hành cùng con đến vùng đất hứa Chúa dành cho con để đào luyện con một thời gian và rồi con đã gặp những người bạn Chúa gửi đến thật dễ thương, chị là người Philippines cùng chuyến bay với con. Chị đã hướng dẫn và cùng đồng hành cho tới khi con tới nhà ga sân bay Philippines.
Mỗi ngày con đều đi bộ đến lớp cùng một số soeur trong lớp. Chúng con đi bên nhau trong sự hiệp thông chia sẻ văn hóa, ngôn ngữ, có khi nhắc nhau cẩn thận khi đi đường, đôi khi thinh lặng để cầu nguyện, có khi lại cùng nhau đọc kinh chung, động viên nhau những khi nản lòng, gặp sự khó, từ đó trao nhau những lời động viên, khích lệ và kinh nghiệm sống. Con nhận ra đó là sự hiện diện hữu hình tưởng chừng vô hình của Chúa bên con, như Chúa - người khách bộ hành trên đường đi Emau với hai môn đệ. Người hỏi các ông : có chuyện gì xảy ra vậy?
Đi bên lề đường, con thấy hiện thực sống động những cảnh đời cơ cực của những gia đình lang thang trên đường phố, gia tài và căn nhà của họ là chiếc xe kéo, cơ man là đồ quần áo, chăn gối, nồi niêu... cả gia đình chen chúc trên chiếc xe những lúc nghỉ ngơi, kèm theo là một vài chú cún con, đi theo chiếc xe là những đứa trẻ lấm lem và gầy guộc vì thiếu ăn. Trên nỗi cơ cực ấy liệu họ có được niềm vui khi phải chật vật với những nhu cầu căn bản của con người? Có khi con lặng lẽ đi qua và dâng lời cầu nguyện cho họ, có khi thì mỉm cười đặt tay lên trán chúc lành cho vài em nhỏ, khi thì chia sẻ cái bánh, của khoai là phần bữa xế giữa buổi học..dù ít ỏi nhưng con nhận được trên khuân mặt họ lấp lánh niềm vui, vui không chỉ vì cái bụng đỡ đói nhưng vui vì nhận được tình người, sự quan tâm, trân trọng.
Chúa biết đấy, lề đường thường là nơi rác thải tập kết, kèm theo là những mùi hôi của những người “xả nước” không đúng chỗ, đi trên lề đường, con chẳng dám nghênh ngang, cứ nép vào phía trong của lề đường dù đất nước của họ khá lịch sự và tự ý thức cao, những tài xế sẽ nhường đường cho người đi bộ. Con thấy mình thật bé nhỏ, dễ gần với người nghèo hơn. Cảm thông với họ với mùi đặc trưng, và những bộ quần áo ngả màu của họ. Mỗi sáng đi bộ tới nhà nguyện của một dòng tu để dự lễ con đều đi qua chỗ anh thanh niên nằm ngủ trên vỉa hè, nơi gần chỗ tập kết rác và sáng nào xe rác cũng đậu gần đó. Mùi hôi của rác khiến con phải đi thật nhanh và nín thở vậy mà anh thanh niên này vẫn ngủ ngon giữa một bầu khí ô nhiễm như vậy. Anh luôn nằm trong tư thế “con tôm” thu mình lại, chiếc áo thun luôn trùm qua đầu. Thân mình đen nhẻm chẳng biết bao ngày rồi không tắm. Con bước nhẹ qua chỗ anh nằm như sợ mình đánh thức giấc ngủ vàng của anh, có lẽ đây là lúc hạnh phúc nhất của anh vì nó tạm xóa tan nỗi cơ cực phận người. Đôi lần đi lễ buổi chiều găp anh lang thang trên vỉa hè, con cũng chia sẻ cho anh chút gì đó có trong cặp sách. Anh nhận lấy với đôi mắt biết ơn. Hình ảnh ấy cứ theo con mỗi lần con muốn than về cuộc đời, con lại nghĩ sao mình có thể? Biết bao người cơ cực mà họ vẫn an lòng đấy thôi!
Kinh nghiệm đi thực tế, ăn, ở và cùng làm việc với những gia đình công nhân nghèo con mới thấy mình no đủ quá. Con thấy mình “mắc nợ”, hình như những gì con có được rút ra từ sự túng thiếu của bao người. Một không gian nhỏ hẹp và chật chội là nơi cư ngụ của một gia chỉ đủ chỗ cho ăn và ngủ. Bữa ăn của họ (5 người) và con là 2 con cá khá nhỏ, và một nồi súp đủ các loại rau. Chi phí sinh hoạt của họ phải thật tiết kiệm, họ vẫn vui vẻ cùng nhau vượt khó và khi tiếp đón con họ đã dành những gì tốt nhất chỉ vì con là người của Chúa. Chúa đã chịu thương tích để con được chữa lành, còn họ chịu thiếu thốn để con được no đủ.
Vẫn còn nữa những kinh nghiệm được Chúa đồng hành, dạy dỗ. Xin gửi trao về Chúa tâm tình tạ ơn và xin cho con khắc ghi như là hành trang quý giá để sống bớt bất xứng. Xin cho con biết mỗi ngày nghiệm ra tầng sâu ý nghĩa của những thực tại diễn ra xung quanh con và khám phá ra ý định nhiệm màu của Chúa muốn gửi trao cho con. Ước gì những kinh nghiệm được Chúa khơi dậy thôi thúc con giảng truyền bằng đời sống trọn vẹn nghĩa tình bản thân với Chúa, với con người và với cuộc đời này.
Thương lắm tháng 3
Tháng 3, tìm về khung trời kỷ niệm của 21 năm về trước là tiếng gọi phía bên trong ghi khắc trong tim, thôi thúc con lên đường theo Chúa. Hôm nay con chợt giật mình
sao mà lẹ thế, mới đó mà đã 21 năm rong ruổi trên mọi nẻo đường sứ vụ, gặp gỡ biết bao người, bao nền văn hóa, ngôn ngữ với những công việc khác nhau, trên nẻo đường ấy luôn có Chúa đồng hành. Có đôi lúc con cảm thấy mệt mỏi rã rời vì sứ vụ, nặng lòng với con người. Có phải tình yêu con chưa đủ lớn, hay thể xác con đã yếu tàn? Có lẽ là cả hai Chúa ạ. Sự mệt mỏi có thể do con chưa xác tín đủ vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa, cứ cố loay hoay với sức riêng mình.
Tháng 3, tháng kính Thánh Giuse- người Cha kính yêu, âm thầm, lặng lẽ hy sinh bảo vệ gia đình thánh, chu toàn bổn phận và mau mắn vâng nghe ý Chúa hiền lành và khiêm nhường.. biết bao nhân đức tốt lành của Thánh Cả làm con thán phục, thán phục vì tình thương nhiệm màu và ân sủng Chúa đã làm nơi thánh nhân. Xin cho con biết noi theo những nhân đức tốt lành ấy để ý Chúa được thành toàn nơi con.
Tháng 3, gần bước vào cao điểm của Mùa chay, cho con tìm về một mối tình duy nhất là Đức Giêsu tử nạn và Phục Sinh. Người đã tự hủy, tự hạ, tự hiến trao tặng chính mình vì yêu con, Người đã yêu và dành cho con một mối tình muôn thủa, mãi tín trung và luôn mới mẻ qua muôn hình dáng vẻ đời thường, trong nhịp đập trái tim và hơi thở của con là sự sống từ sinh khí Chúa thổi vào, qua việc chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ và trên hết là bữa tiệc Thánh Thể hàng ngày. Mỗi lần ngắm hừng đông rực rỡ nắng vàng, hay bầu trời cao xanh trong trẻo, nghe những thanh âm của cuộc sống.. con thầm tạ ơn và ngợi khen Chúa và còn nữa nhưng người con gặp gỡ, mỗi người là một huyền nhiệm, một kiệc tác và mỗi người có câu chuyện riêng của họ Chúa dùng để trở thành lịch sử ơn cứu độ, ơn cứu độ được trả giá bằng giá máu của Chúa.
Tháng 3, tiết trời vẫn còn là mùa xuân, mùa bắt đầu cho sự sống, niềm tin và hy vọng, mùa của sự thay đổi và hồi sinh, mùa của sự chết đi cho những gì xưa cũ để được biến đổi trong trong những hình thái khác. Mùa xuân là thời điểm cây cối đâm chồi nảy lộc, choàng lên mình chiếc áo màu xanh đầy sức sống thay cho màu nâu thô ráp, khô cằn của mùa đông; là sự chết đi, mục nát của hạt lúa để cánh đồng lên xanh màu mạ non. Mùa phụng vụ - Mùa Chay mời gọi con chết đi cho con người cũ để mặc lấy con người mới theo hình ảnh Chúa đã dựng nên; chết đi những tội lỗi ,yếu hèn bản thân để làm lại cuộc đời. Lớn lên cũng đồng nghĩa là sự thay đổi, mất mát và chọn lựa, chấp nhận đón gió và cái nắng gay gắt dưới ánh mặt trời, nhưng con tin Chúa sẽ bao phủ con bằng bóng mây ân sủng, tưới gội con bằng những giọt mưa hồng ân. Có nắng gió và cả mưa sương cây đời con mới nên cứng cáp để cho đời bóng mát trong lành.
Vào sa mạc với Chúa
Vào sa mạc với Chúa
Một mình con với Ngài
Sẻ chia hết tâm tư
Những tật nguyền, tội lỗi.
Vào sa mạc với Chúa
Con trao mọi lắng lo
Phó dâng trong tay Ngài
Tương lai và dĩ vãng.
Vào sa mạc với Chúa
Lòng tràn ngập bình an
Vì trong con có Chúa
Là nguồn suối bình an.
Nt. Cecilia Phạm Trang, OP
(Trích NS. Catarina 47)