daminhthanhtam.com

Yêu đến cùng

29.05.2024 Văn

Đâu đó, ta thấy người ta nói về tình yêu. Người ta vẫn nghiên cứu, phân tích tình yêu dưới nhiều góc độ, tốn rất nhiều giấy mực, để lý giải tình yêu... nhưng có lẽ rất ít người hiểu cho đúng tình yêu là gì.

Thi sĩ Xuân Diệu, một người được xem là nhà thơ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết như thế này:

“Làm sao giải nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt... “

Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời - “Và để xem Trời giải nghĩa yêu!”. Ðúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là phẩm chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để “giải nghĩa yêu”.

Về tình yêu, Chúa Giêsu “giải nghĩa yêu” khi Ngài thỏ thẻ với ông Nicôđêmô biết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Chúa Giêsu cũng đã giải thích với Thánh Catarina làm thế nào để yêu Ngài với tình yêu lớn lao, như trong bản văn tuyệt vời sau đây cho thấy:

Chúa Giêsu hỏi Catarina Siena “Con yêu dấu, con có biết tại sao Ta yêu con không?” Đáp lại câu trả lời phủ định của Catarina, Chúa Giêsu tiếp tục, “Cha sẽ nói cho con nghe. Nếu Cha dừng yêu con, con sẽ chẳng là gì; con sẽ không có khả năng làm bất cứ điều gì tốt lành. Bây giờ con hiểu tại sao Cha phải yêu con. Catarina trả lời “Vâng, đó là sự thật”, và bất thình lình, Catarina nói “Con muốn yêu Cha cũng giống như thế”.

Nhưng ngay khi vừa nói, Catarina nhận ra rằng mìnhvừa nói điều chẳng phù hợp. Chúa Giêsu mỉm cười. Sau đó, Catarina nói thêm, “Nhưng điều này không công bằng. Ngài có thể yêu con với tình yêu lớn lao, và con chỉ có thể yêu Ngài với tình yêu bé nhỏ mà thôi”.

Chúa Giêsu liền ngắt lời Catarina, và nói, “Cha đã làm cho con có thể yêu Cha với tình yêu lớn lao”. Rất ngạc nhiên, Catarina ngay lập tức hỏi Chúa Giêsu làm cách nào. “Cha đã đặt những người thân cận của con bên cạnh con. Bất cứ điều gì mà con làm cho họ, Cha sẽ quan tâm như thể con đang làm cho chính Cha vậy". Tràn đầy niềm vui, Catarina đã chạy đi để chăm sóc những người đau yếu trong bệnh viện: “Bây giờ, tôi có thể yêu Chúa Giêsu bằng một tình yêu lớn lao rồi. “

Thật vậy, ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi... Chính Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giêsu đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.

Xem ra Chúa Giê-su không hề giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ. Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng Gioan cho biết rằng: “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng... Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 1.4-5).

Chúa Giêsu đã yêu là “Yêu đến cùng”. Yêu theo cách của Chúa Giêsu là trao ban tất cả, tận hiến tất cả, đến cả mạng sống mình.

Đó là một tình yêu vô vị lợi, không chút tính toán, không mảy may vụ lợi, không ngần ngại quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúa Giêsu đã yêu thương con người đến cùng, nên đã cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ: “Này là Mình Thầy”: Đó là tình yêu tự hiến, hy sinh chính mình để cho nhân loại được sống. Chúa Giêsu yêu thương đến cùng nên đã chấp nhận chịu chết đau thương trên thập giá: Đó là tình yêu cao cả, từ bỏ ý riêng hoàn toàn để thực hiện ý Chúa Cha. “Xin cất chén này xa Con, nhưng đừng vì ý Con, mà hoàn toàn tuân theo thánh ý Cha”. Như thế, yêu đến cùng là một tình yêu đích thực và đã làm nên những điều kỳ diệu.

Yêu đến cùng” là sống trọn vẹn.

Đó chính là từ ngữ mà Thánh Gioan Tông Đồ diễn tả về cách sống của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Mình và cho cả chúng ta. Tình yêu ấy muốn trao ban tất cả những gì là tốt đẹp, là thiện hảo nhất cho người mình yêu mến.

Chúa Giêsu đã nêu gương trước cho chúng ta, Chúa Giêsu đã không giữ lại cho mình cái gì, dù là cả sinh mạng. Ngài hiến thân để trở thành của lễ toàn hảo dâng lên Chúa Cha hầu mong cứu chuộc con người khỏi thần chết và sự dữ. Tình yêu ấy kêu mời chúng ta hãy biết thể hiện tình yêu cách trọn vẹn, không tính toán đối với anh em mình.

Yêu đến cùng” là quỳ gối xuống, trở thành kẻ tôi đòi, chấp nhận thân phận của một người phục vụ để cho mong cho anh em được lớn lên. “Không còn vẻ hình hài, dáng dấp oai phong” nhưng trở nên “Con chiên gánh tội trần gian”.

Học với chữ “yêu” của Chúa Giêsu. Yêu này đòi hỏi mỗi người chúng ta sống quảng đại, sẵn sàng chia sẻ, chịu thua lỗ, để anh em mình “được lời”. Sống chữ “yêu” của Chúa, chúng ta hãy tập cho mình thái độ “cúi mình, uốn cong lưng xuống” để phục vụ và sống vì, sống cho anh em.

Tình yêu của Chúa đã đi đến tuyệt đỉnh, để như hạt lúa bị chôn vùi, thối đi, để con người chúng ta có được mùa gặt bội thu.

Yêu đến cùng là quảng đại dấn thân và có khi phải thiệt thân vì Tin Mừng. Vì yêu nên chấp nhận sống cảnh âm thầm, vô danh như những tu sĩ sống đời chiêm niệm. Yêu đến cùng là sẵn sàng chấp nhận phần thiệt thòi để người khác được nhiều phần lợi hơn như các thánh tử đạo đã chấp nhận thiệt cả thân mình.

Yêu đến cùng đòi hỏi quảng đại hy sinh theo gương Chúa Giêsu: chủ nhân trở thành tôi tớ bằng cách tự nguyện phục vụ, Thiên Chúa trở thành “kẻ tội đồ” để mang lại sự sống cho kẻ tin.

Yêu đến cùng không chỉ có tấm lòng nhưng là thể hiện tấm lòng bằng hành động cụ thể, nghĩa là không chỉ làm những việc từ thiện, mà làm việc bác ái với tấm lòng yêu thương chân thành và quảng đại.

Nhìn lên tình yêu Giêsu, ta hãy học và bắt chước thái độ “Yêu đến cùng” của Chúa, là chúng ta biết khiêm tốn phục vụ trong những điều nhỏ bé nhất một cách vô vị lợi.

 

Nt. Anna Huỳnh Như, OP

 

 

 

 

 

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...