daminhthanhtam.com

Nét đẹp trên hành trình theo Thầy

07.06.2024 Văn

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1)

Nói tới cộng đoàn thì khá rộng, ở đây con chỉ xin có những cảm nghiệm cá nhân về đời sống cộng đoàn mà con đang được sống cùng, sống với...

Không phải khi bước vào cuộc sống tu trì mới sống chung nhưng ngay lúc bước vào cuộc đời mỗi con người chúng ta đã có đó một cộng đoàn. Hay nói cách khác là một nhóm gia đình hay là xã hội của các cá thể sống chung trong cùng một môi trường có cùng các mối quan tâm chung.

Theo Fichter cộng đồng bao gồm 4 yếu tố sau: (1) tương quan cá nhân mật thiết với nhau, mặt đối mặt, thẳng thắn chân tình, trên cơ sở các nhóm nhỏ kiểm soát các mối quan hệ cá nhân; (2) có sự liên hệ chặt chẽ với nhau về tình cảm, cảm xúc khi cá nhân thực hiện được các công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể; (3) có sự hiến dâng về mặt tinh thần hoặc dấn thân thực hiện các giá trị xã hội được cả xã hội ngưỡng mộ; (4) có ý thức đoàn kết tập thể. Hay nói cách khác, cộng đoàn phải là một chiều hướng làm việc thật rõ rệt và phải được hoàn thành một cách âm thầm kín đáo với một lòng yêu thương thì mới trở nên một cộng đoàn sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa một cách sâu xa.

Phải chăng cộng đoàn là một khái niệm:

Cộng đoàn được hình thành trên cơ sở các mối liên hệ giữa cá nhân và tập thể dựa trên cơ sở tình cảm là chủ yếu, ngoài ra còn có các mối tương quan khác. Cộng đoàn có sự liên kết cố kết nội tại không phải do các quy tắc rõ ràng thành văn, mà do các quan hệ sâu hơn, được coi như là một hằng số văn hóa.

Cộng đoàn trong Thánh kinh:

Nhớ lại trong Tân Ước, mỗi khi kêu gọi ai, Đức Giêsu thường tháp nhập họ vào cộng đoàn, hay đúng hơn là một nhóm người. Có những lúc Ngài kêu gọi cá nhân từng người (x. Mt 8,22; 9,9; 19,21; Mc 2,14; 10,21; Lc 5,27; 9,59; 18,22; Ga 1,43) nhưng cũng có lúc kêu gọi vào tập thể (x. Mt 4,18-21; 10,1-38; 16,24; Mc 1,20; 6,7; 8,34; Lc 9,23). Chunh quanh Đức Giêsu, ta thấy có các nhóm môn đệ, mà lâu nay vẫn được người ta chia theo mức độ “thân thiết” với Ngài. Nhóm thứ nhất được gọi là “nhóm vòng trong”, rất gần gũi với Chúa, gồm có Phêrô, Giacobê và Gioan. Ba người này thường có mặt vào những biến cố quan trọng như lúc Chúa hiển dung (x.Mt 17,1), tại Vườn Dầu (x.Mt 26,37), tiệc ly (x.Ga 13,23-24). Nhóm thứ hai vẫn thường được gọi cách chung là “nhóm Mười Hai” (x.Mt 8,23; 20,24). Nhóm này là nhân chứng và là kiểu mẫu cho đời sống cộng đoàn. Rồi có cả “nhóm phụ nữ” (x. Lc 8,1-2; Lc 23,49; Mc 15,40-4; Ga 19,25). Nhóm này cũng đi theo Chúa và dùng của cải mình để giúp đỡ thầy trò. Họ cũng giữ vai trò loan báo Tin Mừng phục sinh. Ngoài ra cũng có “nhóm bảy mươi hai” (x. Lc 10,1), là nhóm các môn đệ của Chúa. Cuối cùng là đám đông theo Chúa (x. Mt 4,25; 8,1; 12,15), những người từng thọ ơn Chúa hay hâm mộ Chúa. Tất cả những nhóm này đều trải qua cơn thử thách là chính cái chết của Chúa. Có những người mất hết hy vọng (x. Lc 24,13). Có người thì lo sợ, bỏ trốn (x. Ga 20,19). Có nhóm thì tin vào Đức Giêsu phục sinh (x. Lc 24,33-35) trở thành cộng đoàn vượt qua mới (Giáo Hội). Hay là Khi Đức Giêsu bước vào cuộc Thương Khó, các nhóm theo Ngài cũng tan tác. Nhưng sau khi Ngài phục sinh, một luồng sức mạnh mới lại thổi vào trong cộng đoàn nhỏ mười mấy người của Ngài, làm cho nó lớn mạnh thêm. Những ai buồn bã có lại được niềm vui. Những ai từ bỏ lý tưởng lại mau mắn trở về với cộng đoàn. Đặc biệt, nhờ biến cố hiện xuống, với sức mạnh mà Thánh Thần ban cho, các tông đồ lại được hiệp nhất với nhau, họ như được gia tăng thêm sức mạnh để cùng nhau làm chứng cho Đức Kitô đã chết nhưng nay đã sống lại. Chính Chúa Thánh Thần đã hiệp nhất và khai mở mùa hồng ân, ban tự do và đặc sủng cho tất cả mọi người trong cộng đoàn, không chỉ giữa các tông đồ nhưng còn có cả các tín hữu khác nữa (x. 1Cv 12-14). Họ bắt đầu sống một lối sống mới, tất cả cùng một lòng một ý với nhau (x. Cv 4,32), chia sẻ với nhau những gì mình có và giúp đỡ những ai túng thiếu theo khả năng của mình (x. Cv 2,44-45). Họ cùng nhau lắng nghe Lời, cùng cầu nguyện, sống thân ái, cử hành bữa tiệc của Chúa (x. Cv 2,42).

Thực tiễn đời sống cộng đoàn:

Để có một đời sống cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất thì ngoài đời sống cầu nguyện cũng cần có những nhu cầu cần thiết như đối thoại, lắng nghe, gặp gỡ...như đối thoại chính là một phương tiện hữu hiệu để xây dựng cộng đoàn. Một cộng đoàn biết đối thoại, biết khiêm tốn nhìn nhận sự hữu hạn của mình thì sẽ sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của chị em. Cho nên sức sống nơi cộng đoàn phải được tồn tại cách mãnh liệt khi những mắt xích biết cảm thông, chia sẻ được đan kết lại với nhau. Kế đền là lắng nghe cộng đoàn phải là một gia đình có sự lắng nghe. Lắng nghe ở đây không những lắng nghe người khác mà thôi, nhưng cần phải lắng nghe cả chính mình, lắng nghe tiếng nói của lương tâm của chính tâm hồn mình. Đồng thời, mỗi người phải vượt ra khỏi chính mình để hòa hợp, chấp nhận, cùng nhau xây dựng cộng đoàn. Vì vậy, có thể nói việc lắng nghe giúp chúng ta tự đào tạo chính mình để phù hợp với mọi người. Chính vì con người không ai là hoàn thiện nếu không có sự cọ sát, không có mối tương quan giữa bản thân với Thiên Chúa và chị em trong cộng đoàn. Cho nên việc lắng nghe là một điều không thể thiếu trong cộng đoàn. Bên cạnh đó để trở thành yêu thương hiệp nhất thì phải qua chiếc cầu gặp gỡ. Con người được tạo dựng để hoàn thành trong việc gặp gỡ. Nhưng điều cần thiết để có thể gặp gỡ thực sự thì phải tôn trọng và chấp nhận chị em, khi ra khỏi chính mình và đến với người khác, trong tôn trọng và yêu thương sẽ gặp gỡ được người đó và gặp lại chính bản thân mình. Theo G.Marcel: “Gặp gỡ là sự hiệp thông... gặp gỡ là điều kiện để thêm phong phú cho nhiều người...” Cuộc gặp gỡ giữa chị em với nhau là một cuộc gặp gỡ huyền nhiệm, gặp gỡ trong tình thân ái nên cần phải loại bỏ những bảo thủ độc đoán để hiểu, thông cảm, yêu thương, chờ đợi và dấn thân cho nhau. Qua đó, tha nhân và cá nhân có thể phong phú trong chính con người thật của mình. Vì vậy, đôi khi “chúng ta” phải xem chuyện của cộng đoàn cũng là chuyện của mình, chuyện của chị em cũng là chuyện của mình theo nghĩa tích cực. Nhưng nếu chỉ “gặp” mà không “gỡ” thì chưa đủ, mà cần vì nhau qua cung cách cư xử hàng ngày.

Lặng:

Một cộng đoàn chỉ thực sự là cộng đoàn khi các thành viên có thể biến đổi ý thức từ “cộng đoàn vì mình” đến “mình vì cộng đoàn”. Đây là sự chuyển đổi từ tính ích kỉ đến tình yêu. Vì mỗi người: “Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình, đừng tìm lợi ích cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (x. Pl 3,2-4). Như thế mọi người sẽ đang tiến dần đến nguồn ánh sáng tình yêu đích thực.

Để có được cuộc sống hài hòa và hòa nhập được với nhịp sống chung phải chăng phải khiêm tốn, bác ái, bao dung và chấp nhận lẫn nhau? Như Đức Kitô quên mình, phục vụ, khiêm tốn, không so đo tính toán: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (x. Ga 13,14); “tha thứ đến 70 lần 7” (x. Mt 18,22). Tình yêu được gắn bó giữa bản thân và các thành viên trong cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng của Đức Kitô thì mới trở nên cộng đoàn tràn đầy niềm vui. Vì chính Cộng đoàn là nơi mà mọi người thoát ra khỏi bóng mờ của tính ích kỷ để đến với nguồn ánh sáng của tình yêu đích thực: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (x. Pl 3,3-4). Vì thế, bản thân của từng cá nhân luôn ý thức phải rèn luyện không ngừng để thay đổi lối sống, suy nghĩ của mình, để hòa mình vào cuộc sống chung một cách dễ dàng hơn, biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. (x. Rm 12,15). Điều này đòi hỏi cộng đoàn phải là sự cộng sinh đầy yêu thương, thông cảm dấn thân và phục vụ để nâng đỡ mỗi thành viên phát triển. Không ai là một hòn đảo và luôn luôn biết mình là ai, sống với ai thì mới phát triển được. Vì thế, tương quan là giai đoạn bắt buộc đi tới việc hiểu mình, hiểu nhau để cùng sống tốt, sống thật để đem lại hiệu quả cho từng cá nhân cũng như cho cộng đoàn. Bởi chưng, đời sống cộng đoàn phải có chất dinh dưỡng, đó là những lúc toàn thể cộng đoàn cùng ý thức về dòng đời đang hiệp nhất lại với nhau. Đó là ân sủng mà cộng đoàn sống trong niềm vui được ở cùng nhau. Nói cách khác, trong cuộc sống chung mà mỗi người đều cố gắng vươn lên cách tích cực, sống tốt, sống chân thật hết mình với cộng đoàn, biết dùng những nén bạc Chúa trao để làm sinh lợi ra những nén khác, thì chắc chắn cuộc sống sẽ có hiệu quả về mọi mặt vì khi sống quảng đại, chan hòa với mọi người, và tinh thần rất thoải mái sẽ dẫn đến công việc đạt hiệu quả hơn. Và khi để cá nhân cảm nhận được mình thuộc về cộng đoàn thì tự khắc bản thân sẽ sống hết mình và việc sống ba lời khuyên phúc âm luôn đem lại niềm vui, hạnh phúc.

Lời trần tình cá nhân

Riêng với cảm nhận của bản thân con, đời sống cộng đoàn là đời sống của sự chia sẻ, của sự cảm thông và đóng một vài trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách, là nơi mà con cảm nhận được tình yêu, sự nâng đỡ và sống thật với chính mình. Hơn nữa, đời sống cộng đoàn không chỉ là một nơi để con có thể sống, học tập và theo đuổi ơn gọi mà còn là nơi giúp con bào mòn đi những góc cạnh trong đời sống của riêng mình, giúp con thay đổi những tư tưởng của bản thân, thái độ sống, kỉ luật hơn và nhất là cộng đoàn cũng chính là nơi con có thể tìm được Thánh ý Thiên Chúa. Đồng thời, Cộng đoàn là chiếc nôi, là môi trường giúp con lớn lên và trưởng thành hơn về đời sống nhân bản và đời sống tâm linh. Như cành nho muốn sinh hoa trái thì phải chịu cắt tỉa, thật vậy, nhờ sự va chạm, cọ sát với nhau mà mỗi ngày con mới thấy mình lớn lên được. Thực tế mà nói! Mỗi người mỗi vẻ, trăm người trăm tính nhưng hòa trộn với những đức tính tốt đẹp có chút lầm lỗi, những quảng đại xen lẫn những ích kỷ, yêu thương xen lẫn giận hờn, nhỏ nhặt. Vì thế, có lúc vui có lúc buồn, có lúc cởi mở chân thành mà đôi khi cũng thật căng thẳng và ngột ngạt. Quả thật, nhiều lúc chính bản thân cũng bị rơi vào tình trạng trống rỗng trong cầu nguyện và chẳng thấy Chúa trong đời sống của mình. Thế nhưng, nhờ những giờ chia sẻ thiêng liêng, những giờ cầu nguyện chung, tham dự Thánh Lễ... mới nhận ra được một nguồn sức mạnh từ đời sống thiêng liêng và nhất là được ảnh hưởng từ gương sáng của những người đi trước.

Những điều đó giúp chính bản thân nhìn lại, sửa lại những gì mình còn thiếu sót và cố gắng hơn trong cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa. Thật vậy, qua đời sống chug có lẽ không riêng gì cá nhân từng người nhưng chính mỗi người ai cũng cảm nhận được rằng! Trái tim của mỗi con người đều có những vết thương lòng, đó là sự cô đơn của chính mình là đau khổ, buồn sầu và mọi hình thái bị suy sụp khi thất bại.

Vì thế, khi khám phá ra sự thất bại, sự cô đơn và suy sụp ngay cả tội lỗi của bản thân nếu biết kết hợp với của lễ hằng ngày, với sự tương trợ của cộng đoàn lúc đó mới tìm lại sự bình an vào Đức Giêsu và biết chấp nhận thân phận với mọi giới hạn, mọi mâu thuẫn và miệt mài tìm kiếm hạnh phúc đích thực để rồi biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Như đã có một tác giả vô danh nào đó ví von rằng! “Cộng đoàn là nơi có những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn yếu đuối, tăm tối”. Qua những tương giao của những con người yếu đuối, mới biết mình được yêu thương và được tha thứ. Hay nói cách khác cộng đoàn còn là nơi đón nhận và chia sẻ, tha thứ để thăng tiến. “Trong đời sống ấy lại là một mạo hiểm phi thường mà mọi người đang cố gắng thoát khỏi bóng tối của tính ích kỷ để tiến tới nguồn ánh sáng của tình yêu đích thực...!”. Và thật sự là một cộng đoàn thánh thiện khi mỗi người trong cộng đoàn ý thức thuộc rằng cá nhân thuộc về cộng đoàn, cộng đoàn thuộc về cá nhân và tự bản thân mình ý thức được sự thuộc về, thì lúc đó mới cảm được sự trưởng thành trong đời sống chung, qua việc yêu thương và gắn bó với nhau. Thật vậy, những lời trần tình này con xin được gói trọn trong những dòng lưu bút với ước mong đầu tiên chính cá nhân mình phải trở thành một con người chân thật trong tư tưởng, lời nói và trong cung cách sống, không thành kiến, không cố chấp, không lập dị nhưng luôn biết chứng thực một cách sáng suốt theo đúng sự thật. Để làm được điều đó chính cá nhân con cần ý thức mình cũng có nhiều khuyết điểm, thiếu khả năng làm được những điều đó và như thế con mới dễ dàng đón nhận người khác hơn.

 

Nt. Anna Nguyễn Lưu, OP

(Trích NS. Catarina 47)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...