daminhthanhtam.com

Lòng trung tín của người tu sĩ

26.04.2024 Văn

Tôi còn nhớ ngày tuyên khấn lần đầu, một Dì đã nói với tôi rằng: “Từ giờ, em đã là tu sĩ, một người có lời cam kết thánh với Thiên Chúa. Hãy nhớ phải sống trung tín với Chúa nhé”.

Kể từ ngày ấy, trong giai đoạn đào tạo, tôi và các chị em ở trong giai đoạn này luôn thường xuyên được Dì Giáo nhắc nhở sống trung tín với Chúa, với Hội Dòng và cả với chị em trong cộng đoàn. Và thời gian trôi qua trong đời dâng hiến, tôi đã hiểu và cảm nhận thế nào về tầm quan trọng của việc trung tín.

“Trung tín” là một lòng, một dạ, không thay đổi. Quả thật, đối với người sống đời thánh hiến, sự trung tín là một nhân đức rất quan trọng và cần thiết. Thế nhưng, trong thực tế chung của ngày hôm nay, rất nhiều người sống đời thánh hiến đã đánh mất lòng trung tín với Chúa, với Hội Dòng, với gia đình, với anh chị em trong cộng đoàn, và cả với những người mà ta có bổn phận cũng như trách nhiệm cứu rỗi họ. Đây là một sự khủng hoảng lớn trong ơn gọi mà Giáo Hội phải đối diện mỗi ngày.

Vậy, vấn đề nào đã dẫn đến sự mất trung tín nơi người thánh hiến? Có lẽ sẽ có rất nhiều vấn đề khác nhau, nhưng một trong những vấn đề đó, không thể không quan tâm, đó chính là đời sống chung trong cộng đoàn. Thường thì một người tu sĩ, nếu không trung tín trong đời sống chung, sẽ rất dễ sa ngã. Điều này cũng được Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm khi ngài nói đến trong tự sắc Đời sống chung rằng: “Đời sống chung như bức tường bảo vệ, như mẹ hiền bảo vệ con thơ”. Và như thế, chính Luật Dòng cũng như Hiến Pháp và các Quy định trong Dòng được xem là bức tường bảo vệ, là vòng tay yêu thương của Mẹ Hội Dòng để bảo vệ con thơ là những người tu sĩ. Thế nên, bản thân tôi sẽ và luôn cố gắng để trung tín với các luật lệ trong Hội Dòng và Cộng Đoàn. Cụ thể, tôi sẽ tham dự đầy đủ các giờ kinh phụng vụ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, giờ chia sẻ Lời Chúa chung với cộng đoàn.

Một vấn đề khác của sự bất trung nơi người tu sĩ, đó là do tình huynh đệ, tình chị em trong cộng đoàn bị gãy nứt. Một cộng đoàn nếu chị em không có sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ với nhau mà chỉ tránh mặt nhau thì chắc chắn sẽ có người phải rời khỏi cộng đoàn mãi mãi. Vì thế, tôi cũng được mời gọi phải luôn sống tình liên đới, liên lụy và hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn. Đã liên đới – liên lụy, chị em phải luôn biết đón nhận nhau về cả những ưu - khuyết của nhau, cùng  nhau chia sẻ những khó khăn, thất bại cũng như những thành công của nhau. Có như thế, chị em mới cảm thấy thuộc về nhau, thuộc về cộng đoàn của nhau thì cuộc sống mới đem lại niềm vui, bình an cho nhau và khi đó, nguy cơ sa ngã cũng sẽ không thể tồn tại.

Tôi đã cảm nghiệm được điều này trong đời sống cộng đoàn. Những lúc khó khăn trong công việc, tôi luôn được chị em giúp đỡ. Tôi không thể tập hát, một chị hát hay sẽ hát giúp tôi. Tôi nấu ăn không ngon, nhưng mọi người đều động viên, khuyến khích tôi cố gắng, phụ giúp tôi nấu ăn. Có lúc tôi nấu ăn quá mặn, quá lửa, các chị cũng cố gắng ăn hết để ủng hộ tôi. Nhờ đó, tôi luôn cảm thấy mình thuộc về gia đình của cộng đoàn, tất cả các Dì đều như là người mẹ, người chị em của tôi vậy, khiến tôi cảm thấy Chúa luôn hiện diện ở trong cộng đoàn. Và điều này thật quan trọng. Một khi người tu sĩ không cảm thấy Chúa hiện diện trong cộng đoàn, trong những người chị em xung quanh mình, họ sẽ không còn niềm tin vào sự hiện diện của Chúa nữa, cũng không tin có Chúa ở nơi người chị em mình. Và khi không còn thấy Chúa nữa, họ sẽ càng dễ có những thái độ, lời nói, cử chỉ làm những điều trái mắt Chúa và trở nên bất tín với Chúa.

Trong sách Sử Biên Niên 2, trong đó có đoạn đã nói về bất trung tín với Thiên Chúa của Vua Rơ-kháp-am: “Củng cố được vương quốc và trở nên hùng mạnh rồi, vua Rơkhápam bỏ Lề Luật của Đức Chúa, khiến toàn thể Israel cũng theo nhà vua làm như vậy” (2Sb 12,1). Cùng với điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh: “Đây là một thực tế chung, nhiều lần chúng ta cảm thấy tự tin, chúng ta bắt đầu thực hiện các kế hoạch của chúng ta, dần dần chúng ta rời xa Thiên Chúa, không còn trung tín”. Cũng như vua Rơ-kháp-am, nhiều khi người tu sĩ nghĩ rằng những thành công, hạnh phúc mình có được là do những cố gắng, năng lực riêng của bản thân mà không nghĩ đó là ân sủng Chúa ban. Và trong khi thi hành các công việc của sứ vụ, người tu sĩ chỉ chạy theo công việc để thể hiện bản thân mình mà bỏ qua đời sống tâm linh, bỏ qua sự liên đới với chị em. Rồi khi gặp khó khăn, thất bại, chán nản, lại mất lòng tin nơi Chúa, nghi ngờ nơi chị em, dẫn đến sự bất trung tín với Chúa, với Hội Dòng, với cộng đoàn và cả với chị em mình. Tôi cũng đã trải qua những khó khăn, thất bại và cảm thấy có lúc mình cũng dễ mất lòng tin nơi Chúa. Nhưng lời thánh Phêrô đã động viên tôi: “Anh em hãy sám hối, hãy trở về trung tín với Chúa”. Tôi cũng sẽ cố gắng để làm lại từ đầu cho mỗi ngày sống của mình.

Tóm lại, việc sống trung tín không phải là điều dễ dàng, vì tự con người luôn yếu đuối, dễ sa ngã. Người tu sĩ cũng không thể vượt qua yếu đuối nếu không có ơn Chúa giúp.

Vậy, để nhân đức trung tín nơi người tu sĩ được trọn vẹn, họ cần phải có thái độ sống sám hối mỗi ngày như Thánh Phêrô nói: “Anh em hãy sám hối: hãy thay đổi lối sống. Anh em đã nhận được lời hứa của Thiên Chúa và anh em đã quay lưng lại với lề luật Chúa. Anh em hãy sám hối, hãy trở về trung tín với Chúa”. Và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói: “Sám hối là trở về trung tín với Chúa. Thái độ trung tín không được con người thể hiện thường xuyên trong cuộc sống. Phải trung tín trong lúc thuận tiện và cả trong những lúc không được như ý muốn”.

Thế nên, tôi cũng cần phải sống tâm tình sám hối mỗi ngày trong cuộc sống của mình, xin Chúa luôn tha thứ cho những yếu đuối của tôi và xin Thánh Thần luôn thánh hóa tôi mỗi ngày để tôi giữ được lòng trung tín với Chúa cho đến chết, như lời cam kết thánh mà tôi đã khấn hứa với Ngài trong ngày khấn của mình.

 

Nt. Thu Trang, OP

(Trích NS. Catarina 47)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...