Cầu nguyện - Học hành - Cộng đoàn - Sứ vụ là bốn chiều kích của đời tu Đaminh. Trong bốn chiều kích này, chiều kích nào cũng có một vị trí quan trọng riêng.
Qua bài giảng của cha Giáo Giuse Nguyễn Trọng Viễn nói về “Sinh Động Hoá Trong Đời Sống Cộng Đoàn”, tôi xin chia sẻ một chút cảm nghiệm của mình về đời sống cộng đoàn. Đời tu của tôi chưa đủ dài để tôi có thể hiểu hết về nó, nên những gì tôi chia sẻ chỉ là những “mảnh vụn suy tư” của riêng mình.
Trước khi bước vào đời tu cũng như bây giờ khi đang sống trong đời tu, tôi thường hay nghe người ta nói đến hai từ “chân tu”. “Chân” ở đây đương nhiên không phải là một cái chân để đi, hay một vị trí, hay là một chỗ đứng nào đó, mà chân tôi muốn nói đến ở đây chắc ai cũng biết là chân chính, chân thật, chân thành.... Thú thật, mỗi khi nghe ai đó nói mình có “chân tu”, tôi vui lắm, và tôi nghĩ ai đã bước vào đời tu thì đều muốn mình là người có chân tu để đi đến cuối chặng đường. Nhưng con đường tu cũng như bao con đường khác, đâu phải cứ thẳng một đường, chạy một mạch là tới, nó cũng có những khúc quoanh co, ngoằn ngoèo, lúc bằng phẳng, lúc lại ghập ghềnh sỏi đá. Vậy đó, đâu phải cứ muốn “chân tu” là được.
Vì thế, “chân tu” mà tôi muôn nói đến ở đây không phải là cả đời tu, nhưng chỉ xin được gói gọn trong chiều kích cộng đoàn mà thôi. Tôi xem bốn chiều kích trong đời tu Đa Minh như là bốn con đường, và trong bốn con đường này thì ba con đường Cầu nguyện-Học hành-Sứ vụ có vẻ như không khó lắm để đạt được “chân tu”. Thế nhưng, để đạt được chân tu trong con đường cộng đoàn thì không phải là chuyện đơn giản nữa. Vì con đường này cũng lắm nhiêu khê, nó đòi hỏi người đi phải kiên nhẫn, hiền hoà, chịu đựng... nhiều lúc tôi muốn bỏ qua con đường này nhưng không thể, tôi chỉ có thể cố gắng để đi thật tốt trên con đường này.
Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo kể lại rằng: Bảy vị ẩn tu nọ kéo nhau đến sống ở một ngôi đền bỏ hoang của người Ai cập, phía trước ngôi đền có một pho tượng đá. Đây là pho tượng duy nhất còn sót lại sau khi ngôi đền bị cướp phá. Vị cao niên trong bảy vị tu sĩ ấy tên là Đu-bô, ông được anh em bầu lên làm bề trên của cộng đoàn.
Để dạy anh em một quy luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi buổi sáng ông ra đứng trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném mạnh vào đó, rồi chiều đến ông lại trở ra đứng trước pho tượng và lớn tiếng xin lổi vì hành động ném đá của ông.
Cử chỉ khác thường của vị bề trên ấy kéo dài trong một thời gian khá lâu. Một ngày kia không còn làm chủ được tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy.
Vị bề trên đã trả lời bằng cách hỏi lại người đó như sau: Khi tôi ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không?
Người kia trả lời: Thưa không
Vị bề trên hỏi tiếp: Buổi chiều khi tôi đến xin lỗi, pho tượng ấy có để lộ cảm xúc nào không?
Người anh em cũng trả lời: Thưa không.
Bấy giờ vị bề trên mới giải thích: Anh thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn. Nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu thương nhau, chúng ta cũng hãy sống như pho tượng này. Đừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có người trong anh em xúc phạm đến mình. Và cũng đừng ai trong chúng ta tỏ ra hãnh diện khi có người đến xin lỗi mình.
Lời khuyên trên đây của vị bề trên đã được mọi người vui vẻ đón nhận, và từ đó họ sống với nhau trong vui vẻ, bình an.
Thế ra “chân tu” cũng đâu phải khó, chỉ cần giống như pho tượng đá trên đây là ai cũng có thể đạt được “chân tu” rồi. Đời sống chung thì đương nhiên là phải có đụng, ta không thể nào tránh khỏi, điều ta có thể tránh được là đụng nhưng đừng để nó rạn nứt hay sứt mẻ là được. Và theo như lời cha Giáo thì mỗi người là một “linh hồn nhập thể” chứ không đơn thuần chỉ là một cá thể riêng biệt, vì thế mà có một sợi dây vô hình nối kết mỗi người lại với nhau hay nói cách khác chúng ta có một sự liên luỵ với nhau. Một trong những điều kiện để có bình an nội tâm thật sự chính là đón nhận tha nhân, là tạo được sự hài hoà với tha nhân.
Bình an của nội tâm không thể là kết quả của sự trốn chạy, nhất là trốn chạy khỏi tha nhân. Vì thế để đạt đươc chân tu thật sự thì trước hết tôi phải đạt được “chân tu” trong trên con đường này đã. Vì đây là con đường mà tôi sẽ phải đi trong suốt cuộc hành trình, nó sẽ giúp tôi vũng vàng và trung tín đến cùng hay sẽ cản trở bước đi của tôi, con đường này dễ hay khó đi là do ở nơi tôi. Và tôi tin mình sẽ đạt được “chân tu” trên con đường này, để tiến đến chân tu lớn hơn vì có Chúa, Ngài chính là Chân - Thiện - Mỹ, là Đường là Sự thật và là Sự sống sẽ dẫn tôi đến cuối con đường.
Nt. Têrêsa Diễm Uyên, OP
(Trích NS. Catarina 47)