Công nghệ càng phát triển, các mối tương quan giữa con người với nhau xem ngày càng thụt lùi. Thiếu vắng những buổi trưa hè hàn huyên, những buổi chiều cùng nhau dạo bước, thưa dần các buổi tối sum vầy bên gia đình,... Con người ngày càng bị cuốn hút vào công việc, hối hả chạy theo thời gian, nên thời gian dành cho nhau ngày càng thưa thớt dần. Cuộc sống quanh ta còn nhiều mảnh đời không nơi nương tựa, nhiều người nghèo, thiếu thốn những nhu cầu căn bản, và nhất là họ khát những cuộc gặp gỡ thân tình, họ rất cần một ai đó để chia sẻ. Vậy mà bao lần, khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh trên đường phố, nhưng chúng ta lại không dành thời gian cho họ mà chỉ dành những lời thương hại để trấn an lòng mình. Có đó sự thờ ơ với điều họ khao khát trong lòng mình? Tôi đang là hiện thân của người tư tế, luật sĩ trước người bị thương tích trên đường đi...chẳng mảy may đếm xỉa đến họ? Vì sao chúng ta không dám dành thời gian cho người khác? Có lẽ vì chúng ta quá lo cho bản thân nên không còn giờ cho người khác.
Giữa một xã hội vắng bóng tình huynh đệ hiện nay, Thông điệp Fratelli tulti- Tất cả là anh em của Đức Thánh Cha Phanxicô vừa là lời mời gọi, nhưng cũng là để cật vấn bản thân mỗi người chúng ta. “Không ai có thể song sót một mình và đây là lúc chúng ta nhìn về một nhân loại duy nhất, nơi đó tất cả là anh em của nhau” (7-8). Khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao cũng là lúc hạnh phúc sẽ bị hủy diệt, không còn nữa.
Trong một gia đình, nếu ba mẹ hay con cái chỉ quan tâm đến những cái riêng của mình...gia đình đó sẽ dễ dẫn đến tan vỡ, họ gặp nhau bên bàn cơm, nhưng bầu khí lạnh tanh, thiếu vắng hơi ấm bởi mỗi người chưa gặp thấy người khác.
Trong cộng đoàn dòng tu cũng thế, nhiều khi chúng ta vẫn có những lời chào thăm người khác, nhưng được bao nhiêu lần chúng ta gặp nhau để tâm sự, để hiểu nhu cầu của người khác, cũng như thao thức của họ. Chúng ta có cảm thấy đau với nỗi đau của người chị em, có cảm thấy mừng khi chị em gặp niềm vui hay là chúng ta có thái độ dửng dưng và tệ hơn nữa là “hạnh tai lạc họa”. Những chuyện hiểu lầm, những khó khăn xảy ra trong đời sống cộng đoàn thường do chúng ta không dành thời gian để lắng nghe, để thấu hiểu và cảm thông cho người khác.
Sự gặp gỡ chân thành sẽ làm cho chúng ta vơi đi nỗi buồn nội tâm và làm cho niềm vui nho nhỏ được tăng lên. Cộng đoàn sẽ là mái ấm yêu thương nếu mỗi người sống trọn vẹn con người thật của mình. Nhưng để sống là mình, chúng ta cần biết mình là ai. Nếu không biết mình là ai thì chúng ta chỉ sống với những thứ mình có mà không sống với điều mình là. Cái có chỉ là phù vân, nay còn mai mất. Không ai giữ mãi mãi cho mình, của cải, khả năng, danh vọng...Nhưng mỗi người có giá trị là nhờ vào điều chúng ta là chứ không do điều chúng ta có.
Và, chúng ta sẽ biết mình là ai khi đối diện với Đấng dựng nên mình, vì “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1,5).
Trong thinh lặng nội tâm, Ngài sẽ chạm vào cõi lòng thâm sâu của chúng ta, giúp chúng ta nhận ra con người thật của mình. Nếu gặp gỡ Ngài, chúng ta sẽ được biến đổi để sống với con người thật của mình. Càng gặp gỡ Chúa, chúng ta càng gặp gỡ nhau trong Chúa. Như vậy, cộng đoàn sẽ phản ánh tình yêu của Chúa Ba Ngôi và Thiên Đàng không đâu xa ở ngay cộng đoàn chúng ta đang sống.
Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh Gặp gỡ Đức kitô, chân thành mình gặp mình Gặp gỡ Đức Ki tô, nảy sinh tình đệ huynh.
Nt. Maria Mai Sao, OP
(Trích NS. Catarina 47)